Pháp luật về hôn nhân và gia đình cho phép quyền đơn phương ly hôn, tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp đều được đơn phương ly hôn. Vậy những trường hợp nào không được đơn phương ly hôn? Trình tự thủ tục thực hiện ra sao? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm thông tin:
Đơn phương ly hôn được hiểu như thế nào?
Đơn phương ly hôn là trường hợp Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Điều kiện để đơn phương ly hôn
- Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình
- Khi một người vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài;
- Vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích;
- Khi một người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do người còn lại gây nên.
Những trường hợp không được đơn phương ly hôn?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 51, khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 liên quan đến những trường hợp không được đơn phương ly hôn như sau:
“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Như vậy, Tòa án không giải quyết ly hôn theo yêu cầu của người chồng hay nói cách khác chồng không có quyền ly hôn trong những trường hợp như sau:
- Người vợ đang có thai
- Người vợ đang trong thời gian sinh con
- Người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Ngoài ra, pháp luật cũng quy định việc một bên yêu cầu ly hôn nhưng không có bằng chứng, chứng cứ để làm căn cứ ly hôn. Ví dụ: ảnh chụp, bằng chứng các di chứng của bạo lực gia đình, bằng chứng người chồng ngoại tình, bằng chứng đối phương nghiện ma túy,… thì không đảm bảo điều kiện để được đơn phương ly hôn và Tòa án không chấp nhận yêu cầu giải quyết ly hôn.