Ly hôn không còn là vấn đề xa lạ trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết pháp luật quy định như thế nào về ly hôn.
Vậy:
- Định nghĩa ly hôn theo pháp luật là gì?
- Thủ tục ly hôn như thế nào?
- Đâu là mẫu đơn ly hôn chuẩn nhất?
Sau đây, HÃNG LUẬT BIGBOSS LAW sẽ phân tích là rõ về những điều cần biết về ly hôn để bạn có thể bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình nhé.
Ly hôn là gì? 7 nguyên nhân ly hôn phổ biến
Ly hôn là gì?
Ly hôn (hay ly dị) là giải pháp cho những cặp vợ chồng mà cuộc sống chung của hộ đã mắt hết ý nghĩa và họ không thể cùng chung sống để xây dựng gia đình.
Khi quan hệ vợ chồng mâu thuẫn đến mức vợ chồng không thể tiếp tục sống chung thì họ có quyền yêu cầu ly hôn.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình, “ly hôn” được định nghĩa tại khoản 14 Điều 3:
“Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.
Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ vợ chồng khi ly hôn thì tòa án công nhận ra phán quyết dưới hình thức là quyết định.
Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn.
Thời điểm hôn nhân chấm dứt được quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Hôn nhân và gia đình:
“Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật”.
Như vậy, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật quan hệ vợ chồng chấm dứt.
>>> Đọc thêm: Ly thân là gì? Ly thân bao lâu thì ly hôn?
7 nguyên nhân ly hôn phổ biến nhất
Theo thống kê tỷ lệ ly hôn ngày càng cao, tình trạng ly hôn diễn ra nhiều nhất trong giới trẻ hiện nay.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên sau đây là 7 nguyên nhân ly hôn phổ biến nhất:
Bạo lực gia đình
Theo khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”.
Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng ly hôn. Nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay cũng không ý thức được hành vi của mình với vợ hoặc chồng mình là bạo lực gia đình khiến tình trạng hôn nhân trở nên nghiêm trọng hơn.
Kết hôn khi còn quá trẻ
Vì một số lý do nào đó, hiện nay có rất nhiều cuộc hôn nhân với tuổi đời còn quá trẻ. Họ chưa được trang bị đầy đủ về mặt tinh thần lẫn thể chất khi bước vào hôn nhân, chưa phân biệt được đâu là cuộc sống khi yêu và đâu là cuộc sống sau khi kết hôn.
Người trẻ đa phần quá đề cao bản thân, yêu bản thân quá nhiều nhưng lại không quan tâm, nhìn nhận để thấu hiểu người bạn đời của mình, hôn nhân được xây dựng không chỉ bởi tình yêu mà còn là sự đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ, quan tâm, chăm sóc nhau.
Chính vì chưa có cái nhìn chín chắn nên các cặp đôi trẻ thường phát sinh mâu thuẫn ngay từ những ngày, tháng đầu chung sống.
Ngoại tình
Vấn đề ngoại tình thuộc về trách nhiệm chung thủy của mỗi người, không có lí do ngoại tình nào là đúng. Sự chung thủy của đối phương dễ bị lung lay khi vợ chồng có cãi vã, lạnh nhạt, gia đình đang bất ổn,….
Khi phát hiện người bạn đời của mình có mối quan hệ mờ ám bên ngoài, người còn lại có thể thất vọng và kèm theo những sự ghen tuông tùy vào mức độ.
Nếu sự việc đi đến mức trầm trọng không thể hàn gắn được thì việc ly hôn là tất yếu sẽ xảy ra.
Mâu thuẫn về kinh tế
Đối với xã hội hiện nay, vấn đề kinh tế luôn nhạy cảm. Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, các cặp vợ chồng có thể phát sinh nhiều gánh nặng kinh tế bởi cơm áo gạo tiền.
Trong trường hợp một trong hai người chưa ổn định công việc, cuộc sống khó khăn về tài chính, mâu thuẫn này sẽ dễ phát sinh.
Nếu tình trạng mâu thuẫn ngày càng kéo dài, giữa vợ chồng không có sự san sẻ, bàn bạc, cùng nhau lên kế hoạch thì có thể cuộc hôn nhân sẽ đi vào bế tắc và dẫn đến kết thúc.
Bất bình đẳng trong đời sống vợ chồng
Việt Nam là một nước thuộc khu vực Đông Nam Á, chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi tư tưởng “Trọng nam khinh nữ”.
Nhiều người mặc định rằng phụ nữ luôn ở vị trí thấp hơn nam giới, họ phải quán xuyến việc gia đình, không còn thời gian chăm sóc bản thân, gặp gỡ bạn bè.
Nhiều người phụ nữ trong gia đình cảm thấy mệt mỏi, áp lực đối với cuộc sống hôn nhân như vậy, càng kéo dài có thể dẫn đến các uất ức dồn nén và có thể bộc phát khi không thể chịu đựng được, lúc này có thể khiến cuộc hôn nhân rạn nứt.
Trái ngược về tính cách và quan điểm sống
Hôn nhân là việc hai người xa lạ gắn kết với nhau trên nền tảng tình yêu, không thể hoàn toàn thấu hiểu và phù hợp.
Có những vấn đề chỉ phát sinh khi hai bên bắt đầu chung sống, lúc này họ mới nhận ra có sự khác nhau về tính cách, về cách nhìn nhận giải quyết vấn đề, quan điểm sống hay mục tiêu sống,… những xung khắc về tính cách khiến cho vợ chồng không thể tìm được tiếng nói chung, không thể dung hòa dễ dẫn đến chấm dứt hôn nhân.
Tác động từ người thân
Khi kết hôn thì không còn là mối quan hệ giữa hai người, có nhiều mối quan hệ đi kèm khác như: mẹ chồng nàng dâu, em chồng, họ hàng hai bên,….
Chuyện gia đình lúc này, có thể không còn thuộc về gia đình của vợ chồng, lời ra tiếng vào làm ảnh hưởng đến tâm lý và cách hành xử của vợ chồng.
Khi gặp trục trặc, không phải ai cũng cho lời khuyên tốt, không phải lúc nào họ cũng khuyên giải quyết vấn đề theo hướng tích cực. Có những người chỉ cố gắng tác động xấu nhằm phá vỡ hạnh phúc gia đình.
Ngoài ra, còn có những tư tưởng lạc hậu bị đem vào đời sống vợ chồng, các thế hệ khác nhau sẽ có những tư tưởng khác nhau, khi không thể hòa hợp thì sẽ thường xảy ra tranh cãi. Đây cũng là lý do dẫn đến ly hôn.
Thủ tục ly hôn
Điều kiện để được yêu cầu ly hôn
Điều kiện để ly hôn thuận tình
- Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn
- Hai bên đã thỏa thuận về việc chia tài sản, quyền nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng…
Điều kiện để đơn phương ly hôn
- Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình
- Khi một người vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài;
- Vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích;
- Khi một người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do người còn lại gây nên.
Hồ sơ ly hôn cần những gì?
Hồ sơ ly hôn cơ bản cần có những giấy tờ sau:
– Đơn xin ly hôn (theo mẫu của Tòa án);
– Bản chính giấy chứng nhận kết hôn, trong trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải trình bày rõ trong đơn kiện;
– Giấy CMND (Hộ chiếu); Hộ khẩu (bản sao chứng thực) của hai bên;
– Bản sao giấy khai sinh của con (nếu có con);
– Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản);
– Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (đối với trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài).
Trình tự, thủ tục ly hôn
Bước 1: Vợ hoặc chồng nộp hồ sơ ly hôn tại Tòa án nhân dân;
Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu ly hôn quy định cụ thể như sau:
Trường hợp ly hôn thuận tình, hai vợ chồng có thể thỏa thuận đến Tòa án cấp quận/huyện nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú), làm việc của vợ hoặc của chồng để làm thủ tục.
Đối với trường hợp đơn phương ly hôn, vợ hoặc chồng nộp đơn tại Tòa án cấp quận/huyện nơi bị đơn thường trú, tạm trú hoặc làm việc.
Trường hợp ly hôn có yêu tố nước ngoài, Tòa án nhân dân cấp tỉnh/thành phố có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ ly hôn trừ những vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện trừ khi giải quyết giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.
>>> Đọc thêm: Nộp đơn ly hôn như thế nào?
Bước 2: Nộp tiền tạm ứng án phí ly hôn
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ này nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người nộp đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí tại Cơ quan thi hành án và nộp cho Tòa án biên lai thủ tiền tạm ứng án phí.
Bước 3: Hòa giải tại Tòa án
Hai bên trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của mỗi bên và những căn cứ để phản đối yêu cầu của đối phương, những căn cứ để bảo vệ yêu cầu của mình. Thẩm phán xem xét, xác định những vấn đề các đương sự đã thống nhất, chưa thống nhất và đưa ra kết luận.
Bước 4: Tham gia phiên tòa xét xử
Hai bên tham gia buổi xét xử và tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Mẫu đơn ly hôn
Mẫu đơn ly hôn thuận tình
>>>Download: Đơn ly hôn thuận tình
Mẫu đơn ly hôn đơn phương
>>>Download: Đơn ly hôn đơn phương
Mẫu đơn ly hôn viết tay
>>>Download: Đơn ly hôn viết tay
Những điều nên biết khi ly hôn
Chia tài sản khi ly hôn như thế nào?
Về nguyên tắc, tài sản chung vợ, chồng khi ly hôn sẽ được chia theo thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận thì sẽ chia đôi nhưng Tòa án sẽ căn cứ đến các yếu tố sau đây:
- Hoàn cảnh gia đình, vợ, chồng.
- Công sức đóng góp của vợ, chồng để tạo nên khối tài sản chung đó.
- Bảo vệ lợi ích chính đáng của vợ, chồng trong kinh doanh, lao động.
- Lỗi, vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ, chồng của mỗi người.
Quy định về chia tài sản khi ly hôn cụ thể tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình, nếu vợ, chồng có con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động, không có tài sản nuôi mình thì sau khi ly hôn sẽ thực hiện như sau:
- Vợ, chồng thỏa thuận người nuôi con sau khi hai người ly hôn.
- Nếu không thỏa thuận được, Tòa án căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để quyết định giao con cho người nào nuôi dưỡng trong đó, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì xem xét nguyện vọng của con.
- Mẹ được giao nuôi con dưới 36 tháng tuổi trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện hoặc cha, mẹ có thỏa thuận khác.
- Người không nuôi dưỡng phải cấp dưỡng cho con và được quyền thăm nom con mà không bị cản trở; người trực tiếp nuôi con phải tạo điều kiện về mọi mặt để đảm bảo quyền lợi cho con và không được ngăn cản, cấm đoán đối phương gặp con…
Giải quyết nợ khi ly hôn?
Nhìn chung, khi các cặp vợ, chồng muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân thường cũng muốn giải quyết vấn đề tài sản chung, con chung và một phần không thể thiếu là nợ chung.
Theo đó, khoản 1 Điều 60 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
“Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.”
Do đó, nợ chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân thì nếu chưa được Tòa án quyết định hoặc công nhận trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì vẫn có hiệu lực dù hai vợ, chồng đã ly hôn.
Và chỉ có trường hợp duy nhất, sau khi ly hôn hai vợ chồng không phải trả nợ đó là khi vợ, chồng và người thứ ba (người cho vay) có thỏa thuận khác.